Mở cửa du lịch: Doanh nghiệp hy vọng hồi sinh sau đại dịch
Năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 đã "tàn phá" ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động, chuyển ngành nghề. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch cũng giảm mạnh, dù thị trường chung liên tục lập đỉnh.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 đến nay, nhất là từ sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3, ngành du lịch đã "bừng tỉnh" và cổ phiếu du lịch cũng đồng loạt tăng.
Giá cổ phiếu đồng loạt đi lên
Những tín hiệu tích cực của ngành du lịch, kéo theo cổ phiếu ngành này tăng khá mạnh. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, ngành du lịch mở cửa sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành; lưu trú du lịch, ví dụ: khách sạn, resort…; vận tải du lịch.
SSI lưu ý rằng, sẽ cần thời gian để việc mở cửa trở lại ngành du lịch phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên với đặc tính phản ánh kỳ vọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu thường sẽ có xu hướng phản ứng trước so với diễn biến của lợi nhuận.
Đối với nhóm du lịch, lữ hành, đây là lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp nhờ số lượt khách hồi phục mạnh sau 2 năm chịu tác động từ đại dịch. Các cổ phiếu đáng chú ý gồm có: VTD của CTCP Du lịch Vietourist, VNG (CTCP Du lịch Thành thành công); TCT (CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh).
Theo đó, tính từ đầu năm đến hết phiên 15/3, VTD tăng gần 41%. Vietourist hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, sản phẩm về tour du lịch trong và ngoài nước.
Năm 2022, Vietourist đặt kế hoạch doanh thu 180 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021, trong khi lãi ròng đạt 4,8 tỷ đồng, cao hơn mức trước dịch. Tuy nhiên, SSI cho rằng việc phát hành tăng vốn tại VTD sẽ làm suy giảm lợi nhuận đem về cho cổ đông trong bối cảnh nhu cầu phục hồi chậm.
Cổ phiếu VNG của CTCP Du lịch Thành Thành Công tăng gần 14% từ đầu năm. CTCP Du lịch Thành Thành Công vận hành chuỗi dịch vụ "lưu trú – trung tâm hội nghị - vui chơi giải trí"; trong đó, doanh nghiệp sở hữu 20 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị và khu vui chơi trải dài trên khắp cả nước, hơn 1.200 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao tại các thành phố du lịch trọng điểm trong nước như Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa).
Cổ phiếu TCT của CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh tăng hơn 19,8%% từ đầu năm. CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh có hoạt động chính là vận chuyển du khách, hàng hóa từ chân núi lên chùa Bà bằng cáp treo và ngược lại.
CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh nổi bật với chính sách cổ tức tiền mặt được duy trì hàng năm. Dù vậy, SSI cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng gặp phải khó khăn trong cạnh tranh gay gắt với cáp treo Sunworld.
Đối với nhóm lưu trú du lịch, đây là nhóm được hưởng lợi nhờ công suất thuê phòng hồi phục theo sự gia tăng của khách du lịch. Nhờ những yếu tố hỗ trợ tích cực này, tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu DAH của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á tăng hơn 8,3%, OCH của CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH và NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay tăng đều có mức tăng gần 19%.
Du lịch "tỉnh giấc"
Thực tế, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã "tàn phá"’ ngành du lịch suốt hơn hai năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2019 (chưa xảy ra COVID-19), tổng thu từ khách du lịch 755.000 tỷ đồng, thì đến năm 2020 chỉ còn 312.00, giảm 58,7% so với năm trước đó, năm 2021 tiếp tục giảm xuống còn 180.000 tỷ đồng, giảm 42,3% so với năm 2020.
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năm 2022 ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, đã có những tín hiệu tích cực ban đầu về lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt sau mốc 15/3 khi ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố về tình hình kinh tế - xã hội quý I.
Khách quốc tế đến nước ta tháng 3 tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước, do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung quý I, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 3, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 đạt 41.700 lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm 2022 tăng 1,2%; doanh thu du lịch lữ hành quý I năm 2022 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch.
Theo dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights, từ đầu năm đến cuối tháng 3, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam (đối với hàng không và cơ sở lưu trú) đang tăng rất nhanh, được xếp vào nhóm tăng cao nhất trên thế giới, đạt trên 75%.
Các điểm đến của Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất có thể kể đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu… Đây đều là những trung tâm du lịch, điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 và xu hướng phục hồi trên thế giới, Việt Nam đang nhận được chú ý ngày càng tăng của du khách trên thế giới từ các thị trường quốc tế trọng điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, dù vẫn còn các quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch, tuy nhiên với định hưởng mở cửa trở lại, đặc biệt với khách quốc tế của Việt Nam, đồng thời với việc mở cửa dần dần của các quốc gia khác trên thế giới, triển vọng hồi phục của ngành kể từ năm 2022 đang trở nên rõ ràng hơn.
Số lượt khách khó có thể quay lại ngay mức trước dịch tuy nhiên có thể xác định thời điểm khó khăn nhất của ngành du lịch đã rơi vào 2021.
Theo Vietnambiz